Ngành Xi măng tăng tốc triển khai phát điện tận dụng nhiệt dư
Tác giảChi Chi

Từ nay đến cuối năm 2025, tất cả dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên bắt buộc phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2021–2030.

Yêu cầu này đang tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong ngành xi măng, đặc biệt ở khâu chọn thầu và triển khai dự án. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào “giai đoạn nước rút” để kịp tiến độ.

Xi măng Nghi Sơn đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1 của dự án Lắp đặt hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư. Liên danh Anhui Conch Kawasaki Engineering Co., Ltd. - Công ty CP Tập đoàn IPC (ACK - IPC Group) là đơn vị trúng thầu, với giá 556,520 tỷ đồng trên tổng giá gói thầu 744,12 tỷ đồng. Hợp đồng dự kiến ký trong tháng 7 và nhà thầu sẽ triển khai từ tháng 8. 

VICEM Hà Tiên đang mở thầu quốc tế cho dự án tại nhà máy Kiên Lương, tổng đầu tư gần 267 tỷ đồng, đóng thầu ngày 24/7. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án gần 267 tỷ đồng.

VICEM Hải Phòng và VICEM Hoàng Thạch cũng đã hoàn tất đấu thầu các dự án tương tự, với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng. 

Theo PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc phát điện từ nhiệt khí thải không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để nhà máy duy trì hoạt động bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Hiện khoảng 60% nhà máy xi măng đã hoàn tất lắp đặt hệ thống này, phần còn lại đang gấp rút triển khai để kịp mốc 2025. Đây là bước tiến lớn trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và chuyển đổi xanh của ngành xi măng Việt Nam.

Cem.Data